![]() Trong nghiên cứu của đại học Florida, virus viêm gan C bị tiêu diệt bởi một loại hạt có tên nanozyme. Bề mặt của nanozyme được tạo thành từ 2 thành phần sinh học chính. Đầu tiên là một loại enzyme giúp phá hủy mRNA (messenger Ribonucleic acid) - RNA thông tin giúp mã hóa và mang thông tin từ DNA đến vị trí thực hiện tổng hợp protein. Phần còn lại là trí thông minh của hệ thống - một đoạn nucleic acid ngắn có độ dài dưới 100 nucleotide (DNA oligonucleotide) có thể nhận biết vật chất và chỉ thị cho enzyme phá hủy cơ chế vận chuyển của mã protein. Hiện tại, liệu pháp chữa trị cho các bệnh nhân viêm gan siêu vi C là dùng kết hợp giữa 2 loại thuốc Interferon và Ribavirin nhưng tỉ lệ thành công chỉ dưới 50%. Việc kết hợp giữa 2 dược liệu có thể gây suy nhược đối với bệnh nhân, thậm chí một số bệnh nhân đã buộc phải ngưng điều trị do thiếu máu, chán ăn và mệt mỏi. Trong khi đó, liệu pháp nano nói trên có thể loại bỏ các vấn đề liên quan đến tác dụng phụ bởi nó không kích hoạt cơ chế đề kháng của cơ thể, qua đó giảm tối đa khả năng phản ứng phụ. Thêm vào đó, không chỉ điều trị viêm gan C, lãnh đạo nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Chen Liu cho biết công nghệ còn rất nhiều tiềm năng ứng dụng bởi nanorobot có thể tấn công mọi gene chẳng hạn như ung thư hay các chứng bệnh chết người khác. "Công nghệ mở rộng cánh cửa đến nhiều lĩnh vực mới và chúng tôi có thể thử nghiệm nhiều thứ khác. Chúng tôi rất phấn kích về phát kiến lần này," Liu nói. Các công nghệ hạt nano hiện đã và đang được sử dụng trong các liệu pháp y tế, đặc biệt là trong công tác kiểm nghiệm di truyền và giúp xác định yếu tố di truyền của nhiều chứng bệnh. Các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong y học bởi các nanorobot có thể xâm nhập vào các tế bào nhiễm bệnh, tấn công vào các quy trình lây nhiễm trong khi vẫn không tác động đến các tế bào khỏe mạnh. Thêm vào đó, liệu pháp nano còn có thể được áp dụng dưới dạng thuốc viên. Chi tiết về nghiên cứu của giáo sư Chen Liu cùng các công sự tại đại học Florida đã được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. |
News >